Kì thi “2 trong 1”: Còn nhiều những bất cập

Sau 2,5 ngày diễn ra từ 25/6 – 27/6, kì thi THPT Quốc gia đã chính thức khép lại. Nhưng những vấn đề còn lại xung quanh kì thì làm nhiều người phải tự hỏi: “Liệu kì thi “2 trong 1” này có còn phù hợp?”

Bắt đầu từ năm 2015, hai kì thi riêng biệt là thi tốt nghiệp THPT và thi đại học đã được Bộ Giáo dục gộp lại làm một và đặt tên là “Kì thi THPT Quốc gia”. Đến nay đã được 4 năm thực hiện, một chặng đường chưa hẳn là dài và sự cải cách với kì thi này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Đặc biệt bắt đầu từ năm ngoái, năm 2017, trừ môn Văn, các môn thi khác được chuyển sang hình thức trắc nghiệm khách quan và xuất hiện 2 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên. Đến kì thi THPT Quốc gia 2018 vừa kết thúc mới đây, dư luận lại dấy lên câu hỏi: Liệu có còn nên duy trì kì thi “2 trong 1” này?

Không thế phủ nhận những kết quả tích cực mà kì thi này đã đạt được. Với những kì thi đại học riêng rẽ lúc trước, các thí sinh phải thi tại các trường đại học mà họ đăng ký nên phải khăn gói cùng phụ huynh lên tìm nhà trọ 1 – 2 ngày trước ngày thi, tốn rất nhiều phí đi lại cũng như sinh hoạt, nhất là với các bạn vùng sâu vùng xa. Nhưng nay thì các thí sinh được thi tại chính nơi mình ở, vừa tiết kiệm, thuận tiện vừa tạo được tâm lý thoải mái trước khi thi.

Kết quả hình ảnh cho Kỳ thi “2 trong 1” có còn phù hợp?

Kì thi THPT Quốc gia giúp giảm rất nhiều chi phí cho các thí sinh

Kì thi năm nay cũng được tiến hành an toàn và nghiêm túc. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ, kì thi năm nay cơ bản là thành công. Được biết Bộ đã huy động 100% giám thị coi thi là giảng viên của các trường đại học, cao đẳng, lập nhiều tổ thanh tra lưu động đi kiểm tra tại các điểm thi, đảm bảo kì thi diễn ra một cách công bằng, minh bạch, chống gian lận.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, càng ngày kì thi THPT Quốc gia lại càng lộ rõ điểm yếu về đề thi. Mục tiêu của kì thi này chủ yếu là để xét tốt nghiệp, nhưng dường như đề thi vẫn chưa được thiết kế phù hợp cho mục tiêu đó. Theeo những tin tức giáo dục, từ năm 2017, hầu hết các môn thi được chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm, chỉ trừ môn Văn là thi tự luận. Việc này cũng đã gây nhiều tranh cãi, vì đề Toán chuyển sang trắc nghiệm sẽ giảm đi khả năng tư duy logic và trình bày của thí sinh. Hơn nữa, việc đề thi quá dễ gây ra “cơn mưa điểm 10”, khiến điểm chuẩn các trường tăng vọt. Có thí sinh 30 điểm tròn vẫn trượt đại học.

Năm nay, để khắc phục, đề thi mang tính phân hóa cao hơn, nhưng có vẻ Bộ đã hơi có phần “quá tay”. Theo như công bố, đề thi có 60% là kiến thức cơ bản phục vụ xét tốt nghiệp và 40% kiến thức nâng cao để xét tuyển đại học. Thực tế, đề có vẻ khó khăn hơn rất nhiều. Đề Văn yêu cầu vận dụng cả kiến thức lớp 11 và 12, đề Toán thì nhiều giáo sư, tiến sĩ, giáo viên cũng phải “đau đầu” vì không thể làm hết được 50 câu trắc nghiệm trong thời gian 90 phút. Đề thi vẫn còn thiếu tính sáng tạo.

Hình ảnh có liên quan

Đề thi Văn năm nay khiến nhiều thí sinh “khóc dở mếu dở”

Sự thay đổi lớn trong đề thi giữa 2 năm cho thấy phải chăng Bộ Giáo dục đang lúng túng khi ôm 2 kết quả vào trong 1 kì thi? Ngay từ khi gộp 2 kì thi vào 1, nhiều chuyên gia cũng đã phản đối và yêu cầu trả lại 2 kì thi riêng biệt. Nhìn vào quá trình thực hiện, có vẻ qua 4 năm, Bộ cũng đã dần khắc phục những yếu điểm trong kì thi chung này. Việc tiếp tục giữ hay bỏ vẫn luôn là vấn đề dư luận bàn tán.

Tổng thế mà nói, thì cần một khoảng thời gian dài hơn để biết được liệu kì thi “2 trong 1” này có phải là giải pháp tối ưu hay không, nên giữ nguyên hay thay đổi. Hi vọng Bộ Giáo dục sẽ nỗ lực hơn trong việc xây dựng một đề thi phù hợp với mục tiêu đã đề ra cũng như khả năng của các thí sinh.

Rate this post

admin